Lựa chọn một bộ cần câu sẽ vô cùng đơn giản nếu bạn xác định bạn sẽ câu loại cá gì và sẽ dùng loại mồi câu phù hợp nào với loài cá đó. Có vài loại cần câu bạn sẽ lựa chọn như cần câu fly, cần câu máy dọc, máy ngang đến các loại cần câu biển, câu ghềnh. Mỗi loại cần câu sẽ có đặc điểm riêng phù hợp cho từng kiểu câu cũng như vùng nước bạn tung hoành với lũ cá. Sau đây là các bước đơn giản để bạn xem xét lựa chọn bộ cần câu cho mình:
Bước 1: Xác định xem bạn sẽ câu loại cá gì?
Cá nước mặn, cá ngoài khơi chẳng hạn như cá nhồng, cá mú, cá giò, cá bớp, cá thu, cá ngừ, cá đuối, bè lão…
Cá nước lợ, cá gần bờ, đầm… như cá chẽm, cá sửu, cá tráp, cá căn, cá đục…
Cá nước ngọt như cá tra, cá mè, cá chép, cá trắm, cá trôi, cá rô phi, cá chim trắng…
Tôm sú hay tôm sông, tôm hùm hay bất cứ thứ gì có thể ăn câu mà bạn muốn trải nghiệm.
Bước 2: Lựa chọn loại cần câu phù hợp
Cần câu máy dọc (spinning, bộ dây máy nằm dưới cần) có vẻ phù hợp, đa năng cho bất cứ thể loại câu nào, từ câu hồ dịch vụ, sông, suối, đầm, biển đều được, thậm chí nếu cần nhẹ có thể vẫn câu rê được (cá nhân tôi chỉ dùng một chiếc cần câu hơi nhẹ, độ cứng medium, dài 3m là có thể tác chiến đủ loại địa hình với đủ thể loại). Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối ưu đối với từng thể loại câu cũng như từng loài cá muốn câu bạn vẫn phải lựa chọn đặc trưng phù hợp cho mỗi loại cần và thói quen của bạn.
Cần câu máy ngang (baitcasting) có vẻ phù hợp cho thể loại câu bằng mồi giả (lures) với hình thức câu rê, jigging, twisting, jerking và sweeping… Thể loại câu này phù hợp với những loài cá săn mồi thường gặp ở nước lợ, nước mặn. Nhiều hãng nổi tiếng sản xuất loại cần này cùng với các máy câu nhỏ, nhẹ giúp bạn thoải mái tung những đường rê nhưng vẫn đảm bảo độ bền khi gặp những chú cá khá to mà không cảm thấy mệt mỏi.
Cần câu biển cứng hơn, nhưng cũng khá nặng dùng để đối phó với các loài cá lớn như cá ngừ, cá thu, bè lão. Cần câu biển cũng thường ngắn hơn do đa phần đi câu biển chúng ta phải ngồi trên ghe, xuồng; nếu cần quá dài sẽ vướng víu khi kéo cá.
Cần câu surf hay câu ghềnh. Loại này đặc biệt dài và cứng để bạn có thể ném mồi thật xa khỏi bờ. Mồi và chì thẻo thường rất nặng nên nếu cần đọt dẻo sẽ khó chịu nổi trọng lượng đó khi vung cần.
Bước 3: Lựa chọn độ dài cần thích hợp
Khi bạn đã lựa chọn loại cá cần câu, loại cần cần câu, giờ chúng ta hãy xem xét chiều dài của cần bạn sẽ chọn. Cần câu càng dài thì càng cho phép ném mồi xa hơn. Đối với cần câu fly, cần dài sẽ giúp điều khiển dây câu chuẩn xác hơn. Cần câu dài hơn sẽ cho cánh tay đòn dài hơn nên sẽ ném xa và giúp điều khiển độ ném chuẩn xác hơn nhưng cần câu ngắn thì sẽ cứng hơn, cho phép bạn kéo bạo lực hơn
Bước 4: Chọn loại máy câu
Tới đây bạn đã xác định được loại và độ dài cần câu, hãy xem xét các dòng máy câu bạn định mua. Một máy ngang “baitcaster” có ống dây nằm vuông góc với cần câu, điều khiển tuôn dây bằng ngón cái khi quăng lures hoặc mồi câu. Máy dọc “spinning” dễ dàng sử dụng hơn cho hầu hết các cần thủ, dây được giữ trong ổ cước cho phép kéo, xả khi câu. Máy dọc ít khi bị rối cho dù bạn không điều khiển chuẩn xác nhưng máy ngang thì rất dễ dàng tạo cho bạn một “tổ yến” trên tay bạn, một mớ bùi nhùi sẽ đùn ra nếu bạn không chặn đà tuôn dây kịp lúc (khi quăng mồi, dù mồi câu đã chạm mặt nước, lực kéo dây từ mồi không còn nhưng ổ cước trong máy ngang có thể vẫn tiếp tục quay rất nhanh dẫn đến dây câu trong máy bị đùn ra khó thể rút lại được) và hậu quả thế nào thì chắc bạn đã biết. Chiếc kéo rất thích điều này.
Bước 5: Xác định ngân sách mua máy
Đến đây thì bạn đã chọn được loại cá, độ dài cần, kiểu máy, bây giờ bạn phải xem lại trong túi mình có bao nhiêu cho bộ cần này. Giá cần câu cá thượng vàng hạ cám gì cũng đều có cả, từ loại “cùi bắp” của Trung Quốc giá từ một hai trăm nghìn đến loại siêu phẩm của các hãng danh tiếng như Daiwa, Shimano, Berkley, Abu Garcia… giá vài mươi triệu thậm chí có loại lên đến hàng trăm triệu. Đương nhiên là câu nói thường gặp: “tiền nào của nấy”. Hãy đến những cửa hàng uy tín hoặc tư vấn của những chuyên gia để chọn mức giá phù hợp.
Bước 6: Hãy xem xét thật kỹ chất lượng bộ cần
Khi bạn đã quyết định một thương hiệu, một bộ cần câu, trước khi móc hầu bao hãy xem xét thật kỹ trên cây cần không có khiếm khuyết, vết xước hay bất kỳ vết nứt nào. Bất kỳ khiếm khuyết nào trên cây cần cũng dẫn đến nguy cơ gãy cần. Ngoài ra, đối với cần nhiều khúc bạn cũng cần xem kỹ các khúc cần khi ráp vào có khớp chặt vừa vặn với nhau hay không, các khoen cần có méo mó, bong tróc lớp xi hay không.
Bình luận:
Bình luận
Đào Duy Anh Trả lời
04/01/2022cần mua những gì khi đi cau mời giả ạ
Tran van hoa Trả lời
28/10/2017Tư vấn dùm e 1 bộ cần lure may đứng.câu biển.tốt ti
trần ngọc sang Trả lời
19/08/2017dạ....e có 1 máy ngang inox không có cái để cước qua lại đưa vào máy máy đó sài được không ạ và nếu sài được thì phải chọn cần như thế nào mới phù hợp với máy đó.....nếu được xin chỉ e cách sử dụng cũng như ném mồi vung cần sao cho đúng(e bị rối cước khi ném) cần e sài cho máy đó hiện giờ là 1m8....e xin chân thành cảm ơn ạ....
nhật 2k1 Trả lời
06/08/2017Ad tư vấn cho e bộ trọn bộ cần câu máy dọc câu cá biển gần bờ( e mới tập câu bộ nảo rẻ mà tốt 1 chút) thank anh
biện ngọc cường Trả lời
17/05/2017ad có thể tư vấn cho em 1 bộ đầy đủ dùng câu cá lóc với mức giá rẻ nhất để tập câu được không ạ? thank ad!
Nguyễn văn hưng Trả lời
05/02/2017Tư van giúp em tron bo can va may cau ca bong lao
Nguyễn hữu linh Giang Trả lời
03/01/2017Tư vấn dùm mình bộ cần máy ngang câu lóc